CÔNG TY TNHH TM-SX-DV TÍN THỊNH

Địa chỉ: 102H Nguyễn Xuân Khoát - P. Tân Thành - Q. Tân Phú - TP. Hồ Chí Minh
ĐT: 028 62678195 - Fax: 028 62679843
Website: tinthinh.vn Email: nhuaduong@tinthinh.vn

Chào mừng Quý Khách đến với nhuaduong.com website của nhà phân phối nhựa đường chuyên nghiệp tại Việt Nam

Tin Tức

Chỉ thị 13/CT-BGTVT về chất lượng nhựa đường

Ngày đăng: 19/08/2013 23:26

Chỉ thị số 13/CT-BGTVT ngày 08/08/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng vật liệu nhựa đường sử dụng trong xây dựng công trình giao thông.

 

 

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI                                  CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

     Số: 13  /CT-BGTVT                                                                  Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày  08  tháng 08  năm 2013

CHỈ THỊ

Về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng vật liệu nhựa đường

sử dụng trong xây dựng công trình giao thông

 

Trong thời gian gần đây, tại nhiều vị trí trên một số tuyến đường bộ đã xuất hiện chất lượng lớp mặt bê tông nhựa không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, gây hư hỏng mặt đường, dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, tốn kinh phí và thời gian sửa chữa, tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do sử dụng các loại nhựa đường kém chất lượng, không đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật yêu cầu theo quy định.

Nhựa đường (bitum) là loại vật liệu quan trọng trong xây dựng mặt đường bộ, chất lượng của nhựa đường quyết định đến chất lượng của mặt đường nhựa. Hiện nay, Việt Nam chưa sản xuất được nhựa đường mà phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài với số lượng khoảng 500.000 tấn/năm, chủ yếu bao gồm loại nhựa đường đặc đóng phuy (nhựa đường phuy) và nhựa đường đặc nóng (nhựa bồn).

Do là loại vật liệu chính yếu, được sử dụng trong xây dựng đường mặt đường bộ trong nhiều năm qua, nên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn cho quản lý chất lượng nhựa đường đã được Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, Ngành liên quan ban hành cơ bản đầy đủ, chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, tồn trữ, phân phối, vận chuyển và sử dụng vào công trình.

Tuy nhiên trong thực tế thời gian qua, việc kiểm soát các quy định về quản lý chất lượng nhựa đường chưa được thực hiện đầy đủ và nghiêm ngặt.

Đã có những biểu hiện thiếu minh bạch, thậm chí có gian lận thương mại, quảng cáo hoặc thể hiện trên hợp đồng mua bán nhựa đường hoặc in nhãn mác trên bao bì đối với nhựa đường phuy, xuất xứ từ một nước, nhưng thực tế nhập từ nhiều nước khác nhau. Việc vận chuyển nhựa đường đến công trình cũng chưa được quản lý chặt chẽ, đã xãy ra hiện tượng một số đối tượng xấu lợi dụng bổ sung một số chất không phù hợp vào nhựa đường để gian lận khối lượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nhựa đường. Một số nhà thầu đã tồn chứa và sử dụng nhựa đường của nhiều công ty cung ứng nhựa đường trong cùng một bồn tại trạm trộn, cùng một thời gian thi công, gây khó khăn cho việc giám sát chất lượng.

Để khắc phục những tồn tại và yếu kém trên, nhằm kiên quyết loại bỏ các loại nhựa đường kém chất lượng ra khỏi công trường để đảm bảo chất lượng công trình giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT, các Sở GTVT, các đơn vị tham gia dự án xây dựng công trình giao thông kịp thời hướng dẫn và đưa vào hợp đồng, thỏa thuận, cam kết với các công ty nhập khẩu, cung ứng vật liệu nhựa đường nghiêm túc thực hiện các quy định sau:

1.     Về hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan

Các loại nhựa đường nhập khẩu phải có các chỉ tiêu kỹ thuật đáp ứng yêu cầu quy định tại tiêu chuẩn TCVN 7493:2005:“Bitum – Yêu cầu kỹ thuật”.

Nhựa đường nhập khẩu phải được phòng thí nghiệm mang mã số LAS-XD (có đủ năng lực thực hiện 10 chỉ tiêu thí nghiệm đối với nhựa đường theo quy định tại tiêu chuẩn TCVN 7493:2005) tiến hành thử nghiệm với các nội dung sau:

-        Phương pháp và số lượng mẫu nhựa để thí nghiệm tuân thủ theo tiêu chuẩn TCVN 7494:2005 “Bitum – Phương pháp lấy mẫu”.

-        Phương pháp thí nghiệm: tuân thủ các tiêu chuẩn từ TCVN 7495:2005 đến TCVN 7504:2005.

             -        Các chỉ tiêu thí nghiệm phải thỏa mãn yêu cầu quy định tại tiêu chuẩn TCVN 7493:2005 “Bitum – Yêu cầu kỹ thuật”.

2.     Đối với các đơn vị nhập khẩu và cung ứng nhựa đường phục vụ công trình giao thông

2.1     Về năng lực: phải có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm, hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống kho bãi, bồn chứa, phương tiện vận chuyển và các quy trình nhập khẩu, tồn trữ, bảo quản và vận chuyển nhựa đường.

      2.2   Về nhập khẩu:

Chỉ được phép nhập khẩu các lô hàng nhựa đường có chất lượng và các chỉ tiêu kỹ thuật nhựa đường đáp ứng yêu cầu quy định tại tiêu chuẩn kỹ thuật nhựa đường nêu trên.

Để phù hợp với các đặc điểm thời tiết, khí hậu của Việt Nam, các đơn vị nhập khẩu chỉ được nhập loại nhựa có mác theo độ kim lún 40-50 và 60-70 theo tiêu chuẩn TCVN 7493:2005 “Bitum – Yêu cầu kỹ thuật”. Đối với các loại nhựa đường có độ kim lún lớn hơn 70 phải được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận bằng văn bản.

Có trách nhiệm cung cấp đầy đủ cho các cơ quan, đơn vị liên quan (chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu) bản sao có chứng thực còn hiệu lực: Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của nước xuất khẩu; Giấy kiểm định chất lượng tại nước xuất khẩu (do đơn vị kiểm định độc lập phát hành) và Chứng chỉ phân tích chất lượng (trong đó có phiếu thí nghiệm 10 chỉ tiêu kỹ thuật đáp ứng yêu cầu quy định tại tiêu chuẩn TCVN 7493:2005 “Bitum – Yêu cầu kỹ thuật” do phòng thí nghiệm mang mã số LAS-XD thực hiện).

      2.3   Về tồn trữ và bảo quản nhựa đường:

Đối với nhựa đường bồn: có hệ thống bồn chứa, hệ thống gia nhiệt, hệ thống cân và các quy trình vận hành và kiểm soát chất lượng.

Việc trộn lẫn các loại nhựa đường từ các lô nhập khẩu khác nhau phải được thể hiện trong nhật ký bảo quản nhựa đường và phải được lấy mẫu thí nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Không tồn trữ các loại nhựa đường của các nhà cung ứng khác nhau chung cùng một bồn chứa.

Đối với nhựa đường phuy: Nhựa đường phuy phải được bảo quản trong nhà hoặc khu vực có mái che và có biện pháp để các thùng nhựa không bị thủng, rò rỉ nhựa đường để đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh bị suy giảm về khối lượng và chất lượng của nhựa đường.

2.4  Về vận chuyển:

Đối với nhựa đường bồn: Các công ty cung ứng nhựa đường phải tăng cường các biện pháp kiểm soát trong quá trình vận chuyển nhựa đường. Khuyến khích các xe bồn vận chuyển nhựa đường đặc nóng được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để theo dõi trong và sau hành trình cung ứng. Toàn bộ các họng ra của bồn chứa xe bồn (van mở trên nóc, van xả đáy, vòi bơm…) cần được niêm phong trong suốt quá trình vận chuyển. Niêm phong phải được thiết kế chuyên dụng, có đánh số được các đơn vị cung ứng ghi rõ trên phiếu giao hàng và được các đơn vị sử dụng trực tiếp đối chiếu số niêm phong và mở niêm phong.

Đối với nhựa đường phuy: Nhựa đường phuy giao cho đơn vị sử dụng phải đảm bảo còn nguyên nhãn mác hàng hóa, các thùng nhựa không bị thủng, rò rỉ nhựa đường, đảm bảo đủ trọng lượng.

        2.5   Về nhãn mác:

Đối với nhựa bồn: Phiếu giao hàng phải ghi rõ đơn vị cung ứng, chủng loại nhựa đường, nhà máy và nước sản xuất nhựa đường.

Đối với nhựa đường phuy nhập khẩu: Phải có nhãn mác hàng hóa ghi đầy đủ các thông tin như chủng loại nhựa đường, nguồn gốc xuất xứ, trọng lượng tịnh, trọng lượng cả phuy.

Đối với nhựa đường đặc nóng đóng phuy tại Việt Nam: Cần ghi rõ sản xuất tại Việt Nam, chủng loại nhựa đường, nguồn gốc xuất xứ nhựa đường đặc nóng nhập khẩu để đóng phuy, trọng lượng tịnh, trọng lượng cả phuy.

3.        Đối với các đơn vị sử dụng nhựa đường

-        Chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu và thí nghiệm hiện trường phải kiểm tra hồ sơ của lô nhựa đường sẽ sử dụng vào công trình (chứng chỉ xuất xứ hàng hóa, chứng chỉ chất lượng có hiệu lực, nhãn mác), trực tiếp kiểm tra năng lực và quy trình nhập khẩu, quản lý chất lượng (nhập khẩu, tồn trữ, bảo quản và vận chuyển) các đơn vị nhập khâu và cung ứng, lấy mẫu nhựa đường để thí nghiệm đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định trước và trong quá trình thi công để làm cơ sở chấp thuận lô nhựa đường đưa vào dự án.

-        Việc kiểm tra chất lượng nhựa đường trong quá trình thi công phải tuân thủ các quy định của các tiêu chuẩn TCVN 7493:2005 “Bitum – Yêu cầu kỹ thuật”; TCVN 8818-1:2011 “Nhựa đường lỏng – Yêu cầu kỹ thuật”, tiêu chuẩn thi công hiện hành (tương ứng với các lớp kết cấu mặt đường và loại nhựa đường sử dụng) như các tiêu chuẩn TCVN 8819:2011 “Mặt đường bê tông nhựa nóng – Yêu cầu thi công và nghiệm thu”; TCVN 8863:2011 “Mặt đường láng nhựa nóng – Thi công và nghiệm thu”; TCVN 8809:2011 “Mặt đường đá dăm thấm nhập nhựa nóng – Thi công và nghiệm thu” .v.v.. và Chỉ dẫn kỹ thuật thi công nghiệm thu của dự án.

-        Các đơn vị tư vấn giám sát và thí nghiệm tại dự án thường xuyên giám sát và kiểm tra việc cung ứng nhựa đường đúng chủng loại đã được chấp thuận, phối hợp cùng nhà thầu và công ty cung ứng lấy mẫu nhựa đường tại hiện trường để kiểm tra chất lựơng nhựa đường theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đã quy định và lập biên bản xác nhận của đại diện các bên liên quan. Số lượng mẫu nhựa đường phải đảm bảo đủ để thí nghiệm và lưu mẫu. Kịp thời phát hiện và báo cáo chủ đầu tư về các lô nhựa đường không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

-        Các nhà thầu, đơn vị trực tiếp sản xuất bê tông nhựa phải thường xuyên giám sát và kiểm tra việc cung ứng nhựa đường (việc cam kết của nhà cung ứng về chủng loại, nhãn mác, vận chuyển theo đúng quy định phải được thể hiện trong hợp đồng mua bán nhựa đường). Cử nhân viên đảm bảo việc giám sát và nhận nhựa đường: kiểm tra từng niêm phong của xe bồn (đối với nhựa đường đặc nóng), kiểm tra nhãn mác và sự nguyên vẹn với nhựa đường phuy tại cùng thời điểm thi công, hạn chế sử dụng trên hai nhà cung ứng nhựa đường. Không sử dụng nhựa đường của nhà cung ứng khi chưa được chủ đầu tư chấp thuận. Không tồn trữ các loại nhựa đường của các nhà cung ứng khác nhau trong cùng một bồn chứa. Lấy mẫu lưu tất cả các chuyến hàng giao hàng ngày tại công trường. Việc lấy mẫu phải tuân thủ quy định lấy mẫu trong quá trình bơm  nhựa (đối với nhựa bồn), trong quá trình xả nhựa từ phuy (đối với nhựa đường phuy) và phải được lập biên bản xác nhận, ký xác nhận trên mẫu nhựa của các bên liên quan. Mẫu lưu phải được lưu trữ và bảo quản ít nhất 3 tháng kể từ khi lấy mẫu nhựa đường để đối chiếu, phân loại và xác định chất lượng nhựa đường của các nhà cung ứng, tại từng thời điểm cụ thể khi có vấn đề về chất lượng bê tông nhựa. Đảm bảo ghi chép đầy đủ việc nhận lô nhựa đường và sản xuất bê tông nhựa đường, lý trình rải bê tông nhựa hằng ngày.

-        Chủ đầu tư liên đới chịu trách nhiệm cùng nhà thầu về chất lượng nhựa đường khi đưa vào xây dựng công trình giao thông.

4.        Tổ chức thực hiện

a)  Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ đầu tư, Ban QLDA, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ, các Sở GTVT và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc chỉ thị này.

b)  Giao Vụ Khoa Học – Công nghệ chủ trì , phối hợp với Thanh tra Bộ và Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm về chất lượng nhựa đường trong quá trình cung ứng (nhập khẩu, tồn trữ, vận chuyển) và sử dụng trong xây dựng công trình giao thông theo quy định hiện hành và Chỉ thị này,/.

                                                                                                               BỘ TRƯỞNG

Nơi nhận                                                                                                             (đã ký)

-        Các Thứ trưởng Bộ GTVT;

-        Các Vụ, Tổng cục, Cục thuộc Bộ;                                                                    Đinh La Thăng

-        Các Tổng công ty, doanh nghiệp,

Trường, Viện thuộc Bộ;

Các Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

-        Các Ban QLDA thuộc Bộ;

-        Trang thông tin điện tử Bộ GTVT;

-        Báo GTVT, Tạp chí GTVT;

-        Lưu VT, KHCN.

 

Bài viết khác: